Sách Tương Lai Của Tự Do – Fareed Zakaria

700.000 

Tương lai của tự do

Tác giả: Fareed Zakaria

Dịch: Nguyễn Thành Nhân

390 Trang

Mua ngay Gọi điện xác nhận và giao hàng tận nơi

Mô tả

Sách Tương Lai Của Tự Do – Fareed Zakaria

Chúng TÔI XIN phép được giới thiệu Tương Lai của Tự Do (The Future of Freedom) của Fareed Zakaria được chuyển sang Việt ngữ bởi Nguyễn Thành Nhân, một dịch giả uy tín hiện nay, và được xuất bản bởi Giấy Vụn.

 

Tương Lai của Tự Do là cuốn sách phải đọc cho những ai quan tâm đến hiện trạng và tương lai chính trị Việt Nam – nhất là các người tranh đấu cho dân chủ. Khi đã nắm vững nội dung của cuốn sách này, hy vọng là người đọc sẽ không còn suy nghĩ về chính trị, về tự do và dân chủ như khi chưa đọc nó. Tư duy chính trị của phần lớn các thành phần năng động của người Việt thường đi theo thói quen suy nghĩ với những mệnh đề mang nặng tính khẩu hiệu, thuần mơ ước và thiếu cơ sở bằng chứng. Tương Lai của Tự Do sẽ chấn chỉnh lại nề nếp suy tư lỗi thời đó.

Ở đây, chúng tôi muốn tóm tắt những luận đề chính của Zakaria và từ đó cố gắng đặt những luận cứ lịch sử và chính trị của cuốn sách vào bối cảnh Việt Nam hiện nay. Zakaria muốn nói gì?

Nhân loại đang cùng nhau bước vào thời đại dân chủ. Ai ai, ở đâu cũng biết đến điều này. Dân chủ là ước vọng hoàn vũ và phổ quát, là lý tưởng và cứu cánh của một nền văn minh. Thế kỷ XX đã được đánh dấu bằng cao trào dân CHỦ CHỐNG LẠI và chiến thắng các học thuyết chính trị khác. Ngay cả những nhà lãnh đạo độc tài, những chế độ hà khắc cũng nhân danh dân chủ nhằm biện minh cho chính sách và đường lối của họ. Khi nói đến dân chủ, chúng ta hầu hết đều nghĩ đến những khái niệm quen thuộc như quyền lực thuộc về nhân dân, chính quyền do dân và vì dân, và những điều kiện cơ bản như đa số quyết định, phổ thông đầu phiếu. Đó là những tiền đề chính trị. Thế giới không những chỉ vươn lên theo cao trào dân chủ như là một định hướng chính trị, mà hơn nữa, dân chủ đã phát huy cao rộng hơn là các định chế công quyền. Dân chủ là một văn hóa xã hội, bao gồm hết mọi phương diện sinh hoạt của nhân loại.

Tuy nhiên, Zakaria nhấn mạnh, dân chủ không phải là tự do. Dân chủ là một trong những điều kiện cho tự do. Tự do mới là cứu cánh của chính trị và văn minh. Dân chủ chỉ là phương thức để đạt được cứu cánh này. Dân chủ và tự do tương tác lẫn nhau. Tự do là nội dung; dân chủ là thể thức. Tự do cần có dân chủ; nhưng dân chủ có thể tước đoạt tự do. Và không như quan điểm phổ thông về vấn đề này vốn cho rằng dân chủ là điều kiện cần có trước khi có tự do; trái lại, tự do mới là điều kiện thiết yếu và cần có cho một nền chính trị dân chủ bền vững và hữu hiệu. Nói khác đi, tự do thiết lập nền tảng khả thi cho dân chủ. Lịch sử trong suốt thế kỷ qua đã chứng minh rằng đã có những lúc cao trào dân chủ đã đem đến đàn áp, truy bức, chiến tranh và nhiều thảm họa khác. Dân chủ là con dao hai lưỡi. Từ dân chủ đẻ non của lãnh thổ Gaza của dân Palestine ở đầu thế kỷ XXI này đến dân chủ trong bối cảnh tâm lý cuồng nộ của xã hội Đức ở thập niên 1930-40, hai trường hợp điển hình, đã đem hai dân tộc đó vào những khúc quanh đầy thảm họa với hậu quả khôn lường. Và đây là thông điệp chính của Tương Lai của Tự Do mà Fareed Zakaria muốn chuyển đạt.

Tương Lai của Tự Do là một cuốn sách quan trọng. Trên lãnh vực lý thuyết, Zakaria đã phân định rõ rệt để người đọc không nhầm lẫn giữa hai phạm trù cơ bản: dân chủ đối lại tự do. Tự do (liberty) là tinh hoa, là yếu tính của dân chủ (democracy). Có những quốc gia thiếu dân chủ, ví dụ Singapore, nhưng nhân dân được sống trong một mức độ tự do cao hơn một vài quốc gia dân chủ khác, ví dụ Ấn Độ. Vậy tự do, theo Zakaria là gì? Tự do là một sự kết hợp giữa thể thức bầu cử tự do, trong sạch dựa trên nền tảng pháp trị (the rule of law), chế độ tam quyền phân lập, tự do đảng phái, hội đoàn, ngôn luận, báo chí, tôn giáo, tài sản tư nhân, tôn trọng quyền cơ bản của thiểu số, nhân quyền và dân quyền, và sự trưởng thành của xã hội dân sự. Tất cả những yếu tố tự do này kết hợp nên một nền dân chủ hiến pháp tự do gọi là “constitutional liberalism,” tạm dịch là “tự do hiến định.” Tự do hiến định hay lập hiến, theo Zakaria, không phải là nội dung thiết yếu của dân chủ. Hai vế này không hẳn là luôn cùng đồng hành. Nhìn lại trường hợp Hitler đã được bầu làm quốc trưởng (chancellor) của Đức quốc từ một cuộc bầu cử tự do. Về phía Tây phương trong suốt nửa thế kỷ qua, tự do và dân chủ đã được đồng quy lại trong thể chế gọi là “liberal democracy” (“dân chủ tự do” hay “dân chủ cấp tiến”), nhưng cho đến hôm nay, khi nhân loại bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, tự do và dân chủ đang tự phân rẽ và tách rời nhau. Dân chủ đang đi lên; tự do đang đi xuống.

Điều này có nghĩa là gì? Zakaria nhấn mạnh rằng “tự do hiến định” đi xa hơn là dân chủ. Trong khi dân chủ nhằm vào thể thức thiết lập chế độ chính trị và thể chế chính quyền, tự do hiến định là mục tiêu và cứu cánh của thể chế. Đây là một trạng thể tự do, vốn là một truyền thống lâu đời của văn minh phương Tây, nhằm bảo vệ nhân phẩm con người trên cơ sở cá nhân đặc thù chống lại sự áp chế từ xã hội, từ quốc gia, thể chế, tôn giáo đa số. Tự do hiến định bao gồm hai vế: (1) tự do cá nhân (liberal hay individual liberty) vốn bắt nguồn từ ý tưởng triết học chính trị của Hy Lạp và Roman, và (2) “hiến định” vì nguyên tắc thượng tôn luật pháp là tâm điểm và nền tảng cho thể chế chính trị. Nó nhấn mạnh đến các nguyên tắc phân quyền, kiểm soát quyền lực, bình đẳng trước pháp luật, tư pháp độc lập và vô tư, và sự tách rời giữa tôn giáo và chính trị. Vì thế, các thể chế chính trị tiến bộ của Tây Âu và Bắc Mỹ không phải là dân chủ, mà là tự do hiến định. Theo đó, mô hình lý tưởng của thể chế chính quyền Tây Âu không phải là sự bầu cử của đám đông mà là của một nền pháp chế công bằng và vô tư. Zakaria nêu lên trường hợp của Hồng Kông trong suốt nhiếu thập niên qua: rằng tự do không tuỳ thuộc vào dân chủ. Dân chúng Hồng Kông được hưởng một mức độ rất cao về tự do lập hiến (liberty) – tư pháp công bằng, hữu hiệu, hành chánh trong sạch, trong suốt – trong khi dân chủ chính trị gần như hoàn toàn thiếu vắng. Trong khi đó, hai thập niên trước, Yasser Arafat của lãnh thổ Palestine đã được bầu lên từ một cuộc bầu cử tương đối tự do. Nhưng dân Palestine, dù có dân chủ trong quy trình bầu cử để chọn lãnh đạo, song vì không có những định chế của lập hiến, pháp trị và nhiều chức năng xã hội cũng như chính quyền khác, nên đã không hề được tự do. Ngay cả ở Hoa Kỳ, dù với một nền dân chủ rất trưởng thành về mọi mặt, nhưng cho đến thập niên 1950-60, người dân da đen vẫn bị kỳ thị, đối xử phân biệt, không có đủ dân quyền bởi cơ chế dân chủ cấp tiểu bang và địa phương. Về vấn đề kỳ thị chủng tộc nói trên, Zakaria tuyên bố, “Trong bi kịch lớn nhất này của nước Mỹ, tự do và dân chủ đã bao nhiêu lần đối nghịch với nhau.”

Từ bối cảnh lý thuyết và lịch sử thực tế, Zakaria đưa ra một khái niệm phản đề: “the illiberal democracy” (“dân chủ phi tự do”). Các chế độ dân chủ thiếu tự do này nói đến tình trạng các chính quyền được bầu cử qua thể thức dân chủ, thể hiện nguyện vọng của đa số đương thời. Nhưng khi đã nắm quyền, thì các chính quyền này lợi dụng tính chính danh của dân chủ để vi phạm tự do của quốc dân. Đây là hiện tượng khá phổ cập, từ Peru, Venezuela của châu Mỹ Latin đến Palestine hay Bosnia và các quốc gia mới được tái dựng nên sau khi tách rời ra khỏi Liên Bang Xô Viết. Ở các quốc gia này, thể chế và quy trình dân chủ qua bầu cử để tuyển chọn lãnh đạo bởi nhân dân đã không kèm theo những định chế quân bình, cân bằng, kiểm soát và giới hạn quyền lực của đa số nhằm bảo vệ thiểu số và quyền hạn cá nhân khỏi điều mà Alexis de Tocqueville gọi là “tính chuyên chế của đa số” (the tyranny of the majority”). Hãy nhìn vào một quốc gia Ả-rập mà đa số là người Hồi giáo. Khi có cơ chế dân chủ để chọn lựa thể chế chính trị thì nhiều nơi đã chọn mô hình Hồi giáo bảo thủ, nhiều lúc cực đoan, và loại bỏ những dân quyền căn bản đối với phụ nữ, các khối thiểu số tôn giáo khác. Đây là khi mà dân chủ đã trở nên một thảm họa. Do đó, một thể chế dân chủ tự do, “liberal democracy”, hay là tự do hiến định, “constitutional liberalism”, phải bao gồm những yếu tố không dân chủ như hệ thống tư pháp, tòa án độc lập và hiệu năng nhằm bảo vệ những nguyên lý dân quyền và nhân quyền cho thiểu số và cá nhân. Khi một nền dân chủ thiếu vắng những yếu tố trên, thì đây chỉ là một nền dân chủ què quặt, thiếu biện minh, thiếu tự do – “the illiberal democracy.”

Tương Lai của Tự Do, theo Zakaria, là một luận cứ kêu gọi tinh thần và nguyên tắc tự chế cho dân chủ. Đây không phải là một luận cứ chống dân chủ, mà là một khuyến cáo về tính cần thiết cho một tính quân bình giữa tự do và dân chủ. Dân chủ quá độ cũng nguy hiểm, và nhiều lúc cón tàn tệ hơn là thiếu dân chủ. Tinh hoa của dân chủ tự do tuỳ thuộc vào sự kiến tạo một trật tự xã hội đa dạng, phức tạp, nhiều tầng lớp, nhiều phương diện – chứ không phải chỉ nêu cao ngọn cờ dân chủ đa số từ một lý tưởng chính trị đơn thuần mà thôi.

Điều gây ấn tượng, và thuyết phục nhất cho luận đề tự do đối nghịch với dân chủ này của Zakaria đến từ những tiền đề lịch sử trên cơ sở lý luận cho khái niệm tự do. Câu chuyện bắt đầu từ năm 324 Công nguyên khi hoàng đế La Mã Constantine dời đô từ Rome đến Constantinople của xứ Byzantium, một thuộc địa cũ của Hy Lạp. Khi dời đô, Constantine đem theo cả một cơ đồ vật thể, nhân sự, cơ chế về đất mới. Duy chỉ có một nhân vật quan yếu ông ta để lại: Vị giám mục thành Rome. Theo Zakaria, đây là sự chia tay định mệnh mà từ nó đã đưa đến những hệ quả tốt đẹp cho lịch sử nhân loại trên bình diện ý thức hệ chính trị: sự phân ly của giáo hội và nhà nước. Lịch sử tự do bắt đầu từ sự chia tay giữa một hoàng đế và một giáo hoàng. Kết quả đầu tiên của cuộc chia tay này là phía Đông (Byzantium) của đế quốc La Mã nằm dưới quyền kiểm soát và thống trị của quốc gia (state), còn phía Tây (Rome) nằm dưới Giáo hội. Từ đó là một di sản tranh quyền liên tục suốt 1500 năm cho đến gần đây giữa hai thế lực – giữa chính quyền quốc gia thế tục đối lại với giáo quyền của Giáo hội La Mã. Zakaria tuyên bố, “Từ những tia lửa của các cuộc tranh đấu này, ngọn lửa tự do của nhân loại đã được bắt đầu.”

Tiểu sử tóm tắt của Fareed Zakaria: Fareed Zakaria là tổng biên tập của Newsweek International và là bình luận viên chính trị của đài ABC News. Ông ta hiện sống tại New York.

Zakaria, sinh năm 1964 tại Bombay, bảo vệ luận án tiến sĩ ngành Khoa học chính trị tại trường đại học Harvard-University, là giảng viên ngành Quan hệ quốc tế và Triết học chính trị tại đây cho đến khi ông nắm vị trí lãnh đạo trong ban biên tập tạp chí chuyên ngành có uy tín Foreign Affairs. Từ năm 2000 ông ta lãnh trách nhiệm là tổng biên tập của Newsweek International, tạp chí có lượng ấn bản phát hành rộng khắp toàn thế giới với tổng số độc giả vào khoảng 3,5 triệu người. Zakaria thường xuyên viết cho Newsweek, New York Times, Wall Street Journal và New Yorker.

Những công trình về báo chí và văn học của Zakaria đã nhiều lần chiếm được giải thưởng. “Tương lai của tự do”(“The Future of Freedom“ )là cuốn sách thứ 3 của ông, hiện nay cuốn này đã được dịch ra 17 thứ tiếng. Lần xuất bản thứ nhất tại Hoa kỳ đầu năm 2003, chỉ một thời gian ngắn nó đã có mặt trong danh mục Bestseller của New York Times.

Sách Tương Lai Của Tự Do – Fareed Zakaria
Sách Tương Lai Của Tự Do – Fareed Zakaria

Đánh giá

There are no reviews yet

Chỉ những khách hàng đã đăng nhập và mua sản phẩm này mới có thể đưa ra đánh giá.