Mông Sơn Thí Thực Khoa Nghi – Tỳ kheo Thích Giác Nghiên

280.000 

Mông Sơn Thí Thực Khoa Nghi

Soạn dịch: Tỳ kheo Thích Giác Nghiên
Nhà xuất bản: Tôn Giáo
Hình thức: Bìa cứng
Số trang: 180Trang
Kích thước: 16.6×24.7cm
Độ dày: 1.4cm

Mua ngay Gọi điện xác nhận và giao hàng tận nơi

Mô tả

Mông Sơn Thí Thực Khoa Nghi

ĐÔI LỜI PHI LỘ

Đạo Phật là đạo giải thoát giác ngộ, là con đường cứu vớt chúng sanh ra khỏi sáu cõi luân hồi sinh tử, đưa chúng sanh từ nơi đau khổ để đến cõi Niết Bàn tịch tĩnh an vui. Do đó chư Phật trong mười phương thế giới vì lòng bi mẫn thương xót chúng sanh như mẹ hiền thương con đỏ, nương theo bổn nguyện của mình đã lập thệ mà thị hiện vào các cõi nước mười phương, dùng sức phương tiện thiện xảo, bày ra vô lượng pháp môn để cứu độ chúng sinh, khiến ai nấy cũng có được muôn phần lợi ích.

Một trong những ứng thân của Quán Âm Bồ Tát chính là Tiêu Diện Đại Sỹ Diệm Khẩu Đại Quỷ Vương được nhắc đến trong nghi thức MÔNG SƠN THÍ THỰC thường cúng vào buổi chiều tại các Chùa Viện, hoặc tại các tư gia của các gia đình Phật tử.

Theo tác giả Đức Hạnh, thì nghi thức này có ba xuất xứ, nhưng theo người viết tóm lược lại thì chỉ có hai xuất xứ căn bản được ghi nhận qua kinh điển đó là:

Một: Một thời đức Thế Tôn ở tại Tăng Già Lam Ni Câu Luật Na, (phía nam) thành Ca Tỳ La Vệ, cùng với chư vị Tỳ Kheo, chư vị Bồ Tát và vô số đại chúng hội họp, bao quanh trước sau đức Thế Tôn để được Ngài thuyết pháp cho.

Bấy giờ, tôn giả A Nan đang độc cư thiền định nơi thanh vắng, nghĩ nhớ đến giáo pháp đã tiếp nhận. Ngay sau canh ba đêm ấy, tôn giả thấy một Ngã Quỷ tên là Diệm Khẩu, hình thù gớm ghiếc, thân thể khô gầy, trong miệng lửa cháy, cổ họng như kim, đầu tóc rối bù, móng dài nanh nhọn, rất đáng kinh sợ. Đứng trước mặt tôn giả A Nan, Ngã Quỷ nói với tôn giả rằng: Sau ba ngày nữa, mạng sống của thầy sẽ hết, liền thác sinh vào loài Ngã Quỷ.

Lúc đó, tôn giả A Nan nghe lời đó rồi, tâm sinh hoảng sợ, hỏi lại Ngã Quỷ: Này Đại Sỹ, sau khi tôi chết sẽ sinh làm Ngã Quỷ, vậy thì tôi phải làm phương cách nào để thoát khỏi cái khổ ấy?

Khi ấy, Ngã Quỷ bảo với tôn giả rằng: Sáng sớm ngày mai, nếu thầy có thể bố thí ẩm thực cho trăm ngàn na do tha hằng hà sa số Ngã Quỷ, ngoài ra bố thí cho vô lượng chư vị Bà La Môn tiên, các vị minh quan nghiệp đạo thuộc ty phủ Diêm La, các vị quỷ thần, những người đã chết lâu xa, các loại ẩm thực thích ứng, mỗi vị sẽ nhận được bốn mươi chín đấu ẩm thực được tính theo cái lượng đấu của nước Ma Già Đà, lại còn vì Ngã Quỷ chúng tôi mà cúng dường Tam Bảo, thì thầy được tăng thêm tuổi thọ, và bọn chúng tôi nhờ đó cũng được lìa cái khổ làm thân Ngã Quỷ, sinh về cõi trời.

Tôn giả A Nan nhìn thấy Ngã Quỷ Diệm Khẩu đây, thân hình gầy gò, khô khốc gớm ghiếc, trong miệng lửa cháy, cổ họng như kim, đầu tóc rối bù, lông dài móng nhọn, lại nghe lời kể khổ lòng rất hoảng loạn, lông thân dựng đứng.

Ngay khi mặt trời mới mọc, tôn giả từ chỗ ngồi đứng dậy, đi mau về chỗ Phật ở, đỉnh lễ dưới chân Phật, đi quanh bên phải Ngài ba vòng, thân thể run rẩy mà bạch với đức Phật rằng:

Bạch đức đại bi Thế Tôn, cúi xin cứu khổ cho con!  Sở dĩ con cầu cứu là vì canh ba đêm qua, lúc con đang kinh hành nơi thanh vắng để suy nghiệm những pháp đã lãnh thọ thì gặp Ngã Quỷ Diệm Khẩu, nói với con rằng, qua ba ngày nữa con chắc phải mạng chung, sinh làm Ngã Quỷ. Con có hỏi Ngã Quỷ, làm cách nào để thoát cái khổ ấy, Ngã Quỷ đáp rằng, nếu có thể bình đẳng bố thí ẩm thực cho trăm ngàn vạn ức na do tha hằng hà sa số khắp cả chư Ngã Quỷ, vô lượng chư vị Bà La Môn tiên, các vị minh quan nghiệp đạo thuộc ty phủ Diêm La, các vị Quỷ Thần cùng các quyến thuộc, những người đã chết lâu xa, thì con mới được tăng thêm tuổi thọ. Bạch đức Thế Tôn, con làm sao lo liệu đầy đủ vô lượng các loại ẩm thực như vậy?

Đáp lại lời thỉnh cầu khẩn thiết của tôn giả A Nan, Đức Phật đã từ bi chỉ phương pháp để Ngài A Nan thoát nạn, đồng thời có thể cứu giúp loài Ngã Quỷ thoát khỏi cảnh đói khát khổ đau bằng các pháp thù thắng nhiệm màu, bằng các mật chú chân ngôn vi diệu bất khả tư nghì…tất cả đều đã được nói rõ trong bài “ KINH DIỆM KHẨU”. Qua bài kinh và cách thức cúng tế này, nếu như quý vị nào thân mang tật bệnh, nghiệp chướng sâu dầy, tuổi thọ ngắn ngủi, bần cùng… có thể y theo phép cúng thí này mà chuyển nghiệp, lại thêm số mạng được tăng tuổi thọ lâu dài, bệnh tật tiêu trừ, phúc duyên tăng trưởng…tất cả những chỗ cầu đều như sở nguyện.

Xuất xứ thứ hai: Xuất phát từ lòng thương xót chúng sinh trong các cõi âm vô hình vô bờ bến, với đại bi tâm và trí tuệ thâm sâu của bậc đạo sư chân tu, thiền sư Bất Động đời nhà Đường tại núi Mông đã được vô số Ngã Quỷ, cô hồn, âm linh tìm đến ngài để xin bố thí cho ăn, thông qua nhiều hiện tượng linh dị như: cứ vào những chiều chạng vạng, thiền sư Bất Động thường nhìn thấy những ngọn lửa lập lòe, ngắn dài, run rẩy chơi vơi dưới các thung lũng núi Mông, cùng với những thanh âm tru tréo hú vang nghe vô cùng rùng rợn! Rồi đến khi ngài vào ngồi thiền, thì nghe bên ngoài chung quanh chùa có những tiếng xì xào, gõ cửa than khóc…

Trước những hình ảnh ma quái của các loài cô hồn, Ngã Quỷ, âm linh hằng đêm hiện ra như vậy, Ngài hiểu ý các loài âm linh ấy bị đói, bị lạnh, muốn ngài cứu giúp cho được no ấm. Từ đó Ngài quyết tâm đi tìm phương pháp để bố thí thực phẩm cho chúng sinh cõi âm được ăn uống no đủ bằng giáo pháp của Phật (cam lồ pháp thực). Do vậy mà Ngài đã bỏ công tìm kiếm trong Đại Tạng Kinh đời Đường qua thời gian nhiều tháng năm và cuối cùng ngài tìm gặp được cuốn kinh Diệm Khẩu (tức bài kinh miệng lửa). Trong kinh ghi rõ lời đức Thế Tôn đã chỉ dạy cho tôn giả A Nan làm như thế nào để cúng thí cho các loài Ngã Quỷ được ăn bằng xúc thực, ý tư thực theo thứ tự mà được no đủ.

Nghi thức thí thực công phu chiều cũng được thiền sư Bất Động soạn trong kinh Diệm Khẩu. Trong quá trình soạn, ngài cơ bản giữ nguyên toàn bộ lời Phật dạy, để làm nền tảng cho việc biên soạn thêm một số nghi thức tại chùa ở núi Mông, do đó mà có tên “Nghi thức Mông Sơn thí thực cô hồn”. Tác phẩm soạn đầu tiên đó là Nghi thức công phu chiều, dành riêng cầu siêu độ cho cô hồn, Ngã Quỷ hằng ngày trong thiền môn (chùa). Trong đó gồm các kinh Di Đà cầu siêu; kinh Hồng Danh Bảo Sám (để sám hối) cho chúng sinh cõi âm nói chung. Tiếp đến Tiểu Mông Sơn (toàn bộ Kinh Diệm Khẩu).

Tuy nhiên, Bất Động thiền sư có thêm lời ngưỡng vọng hướng về kính lễ: Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh; Thường Trụ Thập Phương Phật, Pháp, Tăng và Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni; Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát; Minh Dương Cứu Khổ Địa Tạng Vương Bồ Tát; Khải Giáo A Nan Đà Tôn Giả. Lời ngưỡng vọng kính lễ này, nếu không nói rằng đó là lời báo ân, thì cũng là lời giới thiệu cho toàn thể bốn chúng đệ tử Phật hậu lai biết rõ nguyên nhân ra đời của nghi thức cúng thí cô hồn, Ngã Quỷ là do hai vị cổ Phật Quán Thế Âm, A Nan Đà và Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni vì thương xót chúng sinh si mê và thị hiện ra hình tướng, hoàn cảnh để thuyết ra bài kinh ấy cho âm dương đều được lưỡng lợi.

Cũng căn cứ từ kinh điển xuất phát từ kim khẩu của chư Phật, ngài Bất Động thiền sư sau khi thực hiện nghi thức cúng thí cho các cô hồn, ngã quỷ, Thiền sư cũng làm lễ quy y Tam Bảo Phật, Pháp, Tăng cho ba giới cõi âm và có lời khai thị cho hữu tình ở giới này. Và sau cùng của nghi thức là những bài kinh Bát Nhã, Vãng Sinh… Như vậy, ta có thể hiểu sau cúng thí thực về phương diện (vật chất) thì tiếp đến là thí ngữ (tức khai thị Pháp Phật) cho cô hồn, Ngã Quỷ và các đảng để được siêu độ, được thoát ly cảnh khổ siêu sinh về cảnh giới an lành.

Tại sao lại có lời thí ngữ (tức bố thí pháp) cho chúng sinh cõi âm ? Sở dĩ trong nghi thức Trai đàn chẩn tế, có đến cả trăm bài văn ngắn, dài khác nhau, từng vùng miền lại có những cách cúng riêng nên văn hóa cúng thí cũng có sự sai biệt. Tuy nhiên đều không nằm ngoài nền tảng căn bản từ Kinh Diệm Khẩu và sườn chính yếu được biên soạn từ Bất Động thiền sư. Pháp thí vô số, vô lượng và khác nhau như vậy là vì do hoàn cảnh, tư tưởng, tâm nguyện khác nhau trong quá trình hành pháp thí siêu độ, bạt độ của chư Tăng Ni cùng Phật tử vì vậy mà lời văn có dài ngắn khác biệt nhưng không ngoài tâm Từ Bi cứu khổ cứu nạn mà ra. Cứu độ vong linh cô hồn, Ngã Quỷ có dễ không ?

Quả thực nói dễ thì cũng dễ, mà nói khó thì cũng khó muôn trùng. Dễ là bởi chỉ cần chân tâm thanh tịnh hướng về họ mà làm thì dễ chiêu cảm, họ biết tu, biết hướng thiện thì ta chỉ cần chỉ điểm cho họ một chút thì dễ làm họ chuyển đổi tâm niệm xấu thành thiện. Mà vạn pháp duy tâm tạo, tâm sao cảnh vậy, niệm xấu vừa tiêu trừ thì thiện niệm, thiện cảnh liền sinh, lập tức ly khổ đắc lạc. Còn khó là vì sao ? Bởi khi còn sống, do lúc sinh tiền, con người đã tạo nhiều tội ác, chưa có tâm thanh tịnh, còn nhiều tham, sân, si, ác kiến, đố kỵ, ngã mạn, ngã sở, v.v…Chính đó là Ngã Quỷ đói, địa ngục khổ, xiềng xích trói buộc, do tự thân của mỗi người tạo ra.

Trong lúc sống trên đời có thân tướng đẹp, tai, mắt tinh anh, phương tiện sống còn từ khả dĩ, đến giàu sang…, mà không ngộ được đạo lý giác ngộ vô ngã, không ăn hiền, ở lành, không nghe lọt tai đạo lý giải thoát của Phật, không tạo đạo đức nhân bản (hiền hòa nhân hậu ). Huống hồ bên kia cõi chết bị mang thân Cô hồn, Ngã Quỷ, vong linh…do đang còn nguyên hiện những định nghiệp ác nói trên trong tâm thức chính là “Lá chắn đen tối”, làm sao có thể nghe được lời kinh, thấy được pháp thân Phật và Tăng! Nhất hạng bị chết đột xuất (vô thường) bởi: bom đạn, máy bay, thuyền bè, tai nạn xe cộ, trúng gió, lộn thuốc, ngã té, chiến tranh, huyết áp,v…v…tâm tham, sân, si vẫn chất chứa trong lòng… thì làm sao dễ dàng tiếp nhận lời khai thị chính pháp. Ví như trong cùng một lớp học, giáo viên giảng bài như nhau nhưng sự tiếp nhận kiến thức đó của mỗi học sinh lại khác nhau do căn cơ, trình độ, khả năng tiếp nhận, sức tập trung khác nhau vậy.

Có rất nhiều cô hồn Ngã Quỷ, chỉ vì vô minh chấp trước vào tà kiến của mình, chấp thân là thật, nên dù chết đi đã trải qua trăm ngàn vạn năm vẫn làm quỷ giữ xác, nhiều lúc hội đủ duyên lành gặp được pháp hội phổ tế cô hồn, được nghe khai thị, nhưng do túc căn nghiệp chướng sâu dầy nên chỉ ham ăn uống mà quên rằng cần phải chú tâm nghe pháp để xả bỏ tâm vị kỷ, san tham, tật đố…buông bỏ hận thù, tình ái si mê, bởi vậy mà mãi trầm luân chưa có ngày siêu thoát.

Qua đây cho thấy, hàng trăm bài sám thỉnh, tác bạch, lời kinh, tiếng kệ, thần chú được chư Tăng tán tụng, xướng ngôn, pháp ngữ, lễ lạy, bắt ấn, thủ xích xuống bàn, vang vọng sâu thẳm là những tiếng nói, âm điệu đánh thức cô hồn, Ngã Quỷ, âm linh và các đảng trở về thực tại, biết hồi đầu hướng thiện, quay về sám hối ăn năn, sửa đổi lỗi lầm, hướng về sự giác ngộ giải thoát.

Trên đây chính là duyên khởi để hàng hậu bối chúng ta có nghi thức cúng Mông Sơn Thí Thực như hiện nay là vậy.

Mông Sơn Thí Thực Khoa Nghi - Tỳ kheo Thích Giác Nghiên
Mông Sơn Thí Thực Khoa Nghi – Tỳ kheo Thích Giác Nghiên

Đánh giá

There are no reviews yet

Chỉ những khách hàng đã đăng nhập và mua sản phẩm này mới có thể đưa ra đánh giá.