Mô tả
Minh Thực Lục Quan Hệ Trung Quốc – Việt Nam Thế Kỷ XIV – XVII
Trong mảng sách Tư liệu – Tổng hợp thuộc “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” ngoài các bộ tuyển tập tư liệu về văn hiến Thăng Long trên tất cả các lĩnh vực, Nhà xuất bản Hà Nội còn tổ chức khảo sát điều tra, sưu tầm tư liệu và tuyển dịch các bộ sách tư liệu có giá trị từ các nguồn tư liệu châu Âu và Trung Quốc. Bộ sách “Minh thực lục: Quan hệ Trung Quốc – Việt Nam thế kỷ XIV – XVII” là một trong những tuyển tập tư liệu đó. Đây là lần đầu tiên toàn bộ sử liệu trong “Minh thực lục” có liên quan trực tiếp đến quan hệ giữa nhà Minh với nước ta được dịch ra tiếng Việt và xuất bản (có kèm theo bản gốc chữ Hán).
Bộ sử liệu này sẽ giúp cho các nhà sử học có thêm một nguồn thông tin để tiếp cận với lịch sử nước ta trong các thời kỳ tương ứng, đặc biệt là tư liệu về cuộc xâm lăng tàn bạo của nhà Minh thời nhà Hồ (1406) và cuộc khởi nghĩa 10 năm “nằm gai nếm mật” của Lê Lợi dẫn tới “Hội thề Đông Quan (1427) quét sạch ngoại xâm, giải phóng đất nước và những đe dọa xâm lăng, đòi hỏi đất đai của nhà Minh đối với nước ta trong thời nhà Mạc (1528-1592).
Minh thực lục là một bộ sử biên niên đồ sộ có độ dày hơn 40.000 trang gồm 3.053 quyển ghi chép về những sự kiện lớn nhỏ gần 300 năm của 13 triều vua nhà Minh – Trung Quốc (1368-1644), trong đó có đến 1.329 văn bản liên quan đến Đại Việt và Chiêm Thành. Khi nghiên cứu về quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian từ năm 1368 đến năm 1644, nhiều sự kiện, nhiều nhân vật được Minh thực lục ghi chép khá cụ thể, thì các bộ sử cũ của Việt Nam như: Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục… lại không chép, hoặc chép quá sơ lược. Minh thực lục được ghi chép xong cách ngày nay đã gần 400 năm, trong đó tác giả sử dụng lối chữ “Phồn thể” và dùng nhiều kiến thức Cổ văn – tức nhiều điển tích, thuật ngữ cổ cho nên để dịch được đúng với nội dung của nguyên tác là điều rất khó khăn.
Bộ sách “Minh thực lục – quan hệ Trung Quốc – Việt Nam thế kỷ XIV – XVII” do tập thể biên soạn là dịch giả Hồ Bạch Thảo, Phạm Hoàng Quân hiệu đính và chú giải. Đây là bộ sách quý, gồm 3 tập, tổng cộng 2.880 trang khổ 16 x 24 cm (Tập I: 928 trang, Tập II: 892 trang, Tập III: 1060 trang). Mỗi tập sách đều được chia làm 2 phần: phần trước là bản dịch ra tiếng Việt, phần sau in kèm theo nguyên bản chữ Hán.
– Tập I có 386 văn bản: Chép các sự kiện từ ngày 26 tháng Chạp năm Hồng Vũ thứ nhất (3-2-1369) đến ngày 28 tháng 6 năm Vĩnh Lạc thứ 11 (25-7-1413).
– Tập II có 480 văn bản: Chép các sự kiện từ ngày 2 tháng 7 năm Vĩnh Lạc thứ 11 (29-7-1413) đến ngày 20 tháng Chạp năm Tuyên Đức thứ 9 (19-1-1435).
– Tập III có 461 văn bản: Chép các sự kiện từ ngày 9 tháng 2 năm Tuyên Đức thứ 10 (8-3-1435) đến ngày 6 tháng 10 năm Sùng Trinh thứ 13 (18-11-1640).
Đây là bản dịch có chất lượng tốt, dịch giả Hồ Bạch Thảo là một người có kiến thức lịch sử và Hán học, đã lột tả được chân thực nội dung của nguyên tác chữ Hán. Ngoài ra dịch giả đã dày công hiệu khám, đính chính những chỗ in sai trong nguyên tác và chú thích những điển tích, những sự kiện lịch sử cần thiết. Phần Hiệu đính và chú thích do ông Phạm Hoàng Quân thực hiện, là những thông tin vừa quý vừa công phu, kỹ lưỡng và khoa học làm cho nội dung và chất lượng bản dịch Minh thực lục được nâng lên rất nhiều. Bài khảo cứu với dung lượng hơn 40 trang được viết với tinh thần trách nhiệm khoa học cao sẽ giúp ích rất nhiều cho độc giả, nhất là các độc giả không có chuyên môn sử học, tìm hiểu trước khi tiếp cận với bản dịch.
Công trình có ý nghĩa khoa học, văn hóa và thực sự cần thiết. Cơ sở tư liệu Minh Thực lục có xuất xứ rõ ràng, phong phú với nhiều dị bản khác nhau được thực hiện dưới góc độ văn bản học qua các tiêu chí nhất định, đủ đảm bảo về mặt khoa học. Cách dẫn giải về cơ sở tư liệu có tính thuyết phục; Phần Mở đầu được viết công phu khái quát, người viết đã khái quát quá trình hình thành “Minh thực lục” cũng như giá trị nhiều mặt của nó, đặc biệt là phần ghi chép liên quan tới Việt Nam mà giới nghiên cứu của ta chưa có điều kiện tiếp cận. Các tiểu mục được thực hiện rõ ràng khá chuẩn xác tương ứng với nội dung mục phần. Lập luận lôgic chặt chẽ, văn phong sáng sủa mạch lạc, ngôn từ phù hợp đối với thể tài lịch sử mà ở đây là một biên niên sử lớn. Phần nội dung dịch thuật: nhìn chung là cơ bản sát nghĩa, chấm câu ngắt đoạn đúng, văn phong mạch lạc, ngôn từ dùng phù hợp theo từng thể tài lịch sử. Bên cạnh là nhiều sử liệu lớn nhỏ được ghi chép đầy đủ có cả ngày tháng can chi. Phần chú thích: đầy đủ rõ ràng có tra cứu đối chiếu cẩn thận. Đây là phần quan trọng mà người đọc rất chú ý. Một số chữ khó đã được tác giả tra cứu chú thích và cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu người đọc.
Bản dịch Minh thực lục, phần tuyển chọn các mục nói về quan hệ Việt – Trung thế kỷ XIV – XVII đưa vào “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến”, là một việc làm có ý nghĩa khoa học, một đóng góp quan trọng về sử liệu học, cung cấp một khối lượng tư liệu vô cùng phong phú và quý hiếm. Phần quan hệ Việt Nam – Trung Quốc ghi chép trong Minh thực lục, đã được học giả Hồ Bạch Thảo tuyển chọn đầy đủ không để sót sự kiện nào. Phần dịch nghĩa theo đánh giá là rất tốt. Bản dịch đã được học giả Phạm Hoàng Quân hiệu đính và PGS.TS. Nguyễn Minh Tường hiệu chỉnh lần cuối cùng, đã đạt tới độ chính xác cao, người đọc có thể hoàn toàn yên tâm, tin tưởng.
Nói tóm lại, với một khối lượng đồ sộ, Minh thực lục nói chung và Minh thực lục – Quan hệ Trung Quốc Việt Nam thế kỷ XIV-XVII có giá trị rất lớn trong việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Có thể khẳng định, Minh thực lục – Quan hệ Trung Quốc Việt Nam thế kỷ XIV-XVII là bộ sách quý đối với mọi độc giả yêu quý và tìm hiểu lịch sử dân tộc. Tác giả đã tiếp cận văn bản theo nhiều góc nhìn khác nhau và trên cơ sở các nguồn thông tin, tư liệu dồi dào. Đây là công trình có ý nghĩa khoa học và thực tiễn trong “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến”.
Đánh giá
There are no reviews yet