Mô tả
Đạt Ma Đông Du Ký (Đạt Ma Tổ Sư Truyện) – Thanh Khê Đạo Nhân
Cuốn sách này được dịch từ nguyên tác: Đạt Ma Tổ Sư Truyện của Thanh Khê Đạo Nhân, tên là Phương Nhữ Hạo, người Thừa Âm, sống vào cuối đời nhà Minh ở Vinh Dương (nay là Trịnh Châu, Hà Nam), là nhân vật đại biểu cho các tiểu thuyết gia viết về Phật Đạo đời Minh Thanh.
Mười tám hồi đầu trong sách tường thuật về vị Tổ thứ hai mươi sáu Thiền Tông Ấn Độ là Bất Như Mật Đa Tôn giả, người đi phổ độ chúng sinh ở vùng phía Nam và Đông Ấn Độ, có thể xem đây là phần nội dung mở đầu của bộ truyện, cũng là cội nguồn kinh lịch có tính truyền kỳ của Đạt Ma Tổ sư. Từ hồi thứ chín mươi bảy về sau, miêu tả những hoạt động hoằng giáo của Đạt Ma Tổ sư ở Trung Hoa. Phần lớn nội dung sách miêu tả những sự tích của Đạt Ma Tổ sư ở Nam và Đông Ấn Độ, chỉ để một phần nhỏ tường thuật những truyền thuyết hoằng pháp của ngài ở Trung Hoa.
Trong toàn bộ tác phẩm, tác giả đã dùng vô số sự tích có thể xem là kì quái, nhưng bằng cách sinh động đó tác giả đã khải thị triết lý trừu tượng thâm áo vi diệu của Phật giáo. Bộ truyện này thật sự là một bộ sách giải nghĩa triết lý đời người theo giáo pháp của Phật giáo Thiền Tông. Lập trường của Sư Tổ Thiền Tông là không trọng sự mà trọng giáo, đây chính là điều mà bộ truyện này muốn diễn tả.
Bộ sách này được xuất bản với mục đích giới thiệu một tác phẩm văn học cổ điển, qua đó chúng ta có thể hiểu thêm một đặc trưng của nền văn hóa cổ Trung Quốc, trong đó có Thiền Tông.