Mô tả
Dã Đàm Tả Ao Tầm Long Gia Truyền Bảo Đàm – Cao Trung
TỰA Của Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ Giáo sư Đại học Văn khoa Sài Gòn Giáo sư Đại học Nhân văn và Nghệ thuật Viện Đại Học Minh Đức
Cách đây mấy năm ông Cao Trung đã nhờ tôi đề tựa quyển Địa Lý Tả Ao của ông, nay ông lại có nhã ý nhờ tôi đề tựa tập Dã Đàm Tả Ao này.
Tác giả cho biết đây là tài liệu viết tay của ông Nguyễn Tấn Minh thuộc giòng giỏi cụ Tả Ao, viết năm Canh Thìn (cụ Tả Ao tên là Nguyễn Đức Huyên).
Tôi may mắn có bộ sách “Tả Ao chân truyền địa lý” do Hà Kim, Duyên Tự Sơn Nhân hiệu đính, Bất Chuẩn Phiên khắc và hiệu Nghĩa Lợi hàng Đào phát hành năm Kỷ Mùi (1919) đời vua Khải Định.
Tôi đem hai bản so sánh thì thấy hầu hết giống nhau, ngoại trừ một vài chi tiết nhỏ. Như thế là chúng ta có thể vững bụng về phần tài liệu.
Nhưng dù là đọc bản in tại Hà Nội hay bản viết tay của ông Nguyễn Tấn Minh, tôi cũng thấy hết sức khó hiểu. Trái lại khi tài liệu trên vào đến tay ông Cao Trung thì nó lại trở nên khúc chiết, rạch ròi, vì nó đã được ông Cao Trung đem công phu phân thành tiết mục hẳn hoi, nhất là sự bình giải hết sức sáng suốt cặn kẽ.
Tác giả vẫn dùng lối văn giản dị, lối trình bày rõ ràng, lại còn kèm thêm nhiều đồ bản, để minh chứng, giải thích, khiến người đọc có cảm giác rằng: khoa Địa lý cũng không đến nổi quá khó như mọi người thường nghĩ.
Tuy nhiên, tập trước và tập này mới hoàn tất phần căn bản của khoa địa lý. Nếu muốn đi sâu vào chi tiết, nếu muốn nắm vững được hết những huyền vi, ảo diệu của khoa địa lý, là một khoa rất khó trong các khoa Cổ học thuật Trung Hoa, chắc chắn chúng ta còn phải tốn nhiều công phu, đọc nhiều sách vở. Cái đó là điều dĩ nhiên. Tác giả cũng biết như vậy nên đã hứa hẹn cho xuất bản thêm một số tài liệu về khoa này.
Chúng ta sau khi đã đọc qua hai tập địa lý của tác giả hẳn đã hài long và ước ao tác giả mau xuất bản cho đủ toàn bộ khoa địa lý, để chúng ta có đủ tài liệu tham khảo và có được toàn bộ sách quý.
Vì không sành về Địa lý, nên tôi chỉ chú trọng đến sự chính xác của tài liệu, và chỉ biết đề cao phương pháp khảo cứu và bình giải của tác giả, chứ không muốn đi sâu vào chuyên môn.
Tuy nhiên trước khi cho xuất bản tập sách này, tác giả đã đưa cho nhiều bậc lão thành tinh thông về khoa địa lý xem và đã được các vị hết lời khen tặng, như ta thấy trong “Lời mở đầu” của tác giả.
Có một điều tôi muốn lưu ý quý vị độc giả là ông Cao Trung từ nhiều năm nay, đã khổ công nghiên cứu về nhiều bộ môn Đông Phương học.
Còn riêng về phương diện học vấn, ông cũng có một căn bản hết sức vững chải, một số vốn liếng hết sức dồi dào. Văn bằng cử nhân Văn khoa, Văn học Việt Nam của ông chính cũng là một sự bảo đảm cho sự hiểu biết của ông. Sau những lời trình bày và nhận định trên, tôi xin nồng nhiệt giới thiệu tập sách địa lý Dã Đàm Tả Ao này cùng quý vị độc giả.
Ước mong, đối với quý vị, tập sách này sẽ được đúng như lời cụ Tả
Ao:
Báu này yêu tựa ngọc vàng
Được thì nên trọng nên sang, nên giàu Lấy tín lấy kính làm đầu
Đạo có sở cầu, chí có ắt nên. Lọ là cưỡi hạc đeo tiền
Trước tiên học lấy thần tiên trên đời…
Sài gòn, ngày 10 tháng 4 năm 1974
LỜI NÓI ĐẦU
Năm 1969 tập Địa Lý Tả Ao (Địa đạo Diễn Ca) ra đời, trong đó chúng tôi có giới thiệu tập Địa lý thứ hai: Dã Đàm Tả Ao (Tầm Long gia truyền bảo đàm) tức là bộ này.
Từ khi xuất bản cuốn thứ nhất cho đến nay, chúng tôi được biết luôn luôn quý vị độc giả mong mỏi có cuốn kế tiếp.
Cuốn thứ hai, lẽ ra có thể xuất bản vào năm 1970 mà cho đến ngày nay 1974 nó mới ra đời, vì có nhiều yếu tố đặc biệt, mà chúng tôi xin trình bày lên quý vị, dưới đây:
- Cuốn trước nặng về loan đầu, cuốn sau nặng về lý khí và hai cuốn này trở nên một cặp thư hùng về căn bản địa lý. Muốn được như vậy phải chuẩn bị cho nó thật chu đáo mới khỏi phụ lòng độc giả trông mong, mới xứng với tập trước và mới hoàn thành sứ mạng việc soạn thảo cổ thư.
- Từ trước tới nay, đã có bao nhiêu man thư về địa lý mà toàn dựa vào lý khí để làm man thư nên cuốn này, nặng phần lý – khí, phải làm cho rõ đâu là chân và đâu là cái ngụy của khoa Địa lý, nên tác giả đã phải ôn lại trên mười bộ sách địa lý vừa cổ thư bí truyền vừa có bán trên thị trường để đối chiếu và loại bỏ đi những phần nào có thể dễ làm cho độc giả dễ nhầm lẫn, khi đọc nó. Ngoài ra, cũng phải phân biệt chỗ nào quan trọng, chỗ nào kém quan trọng để nhấn mạnh những chổ quan trọng, cho độc giả mau có ý thức chính xác về phần lý khí, để đỡ nhầm lẫn, bởi nhầm về lý khí thì rất tai hại.
- Nói là lý khí, nhưng thực thể của nó vẫn là loan đầu. Nếu quân thực thể mà trình bày nguyên những gì trừu tượng, vẫn còn làm cho độc giả khó nhận chân, nên các phần lý khí trên sách đều được tác giả cố gắng dung hòa với loan đầu cho có cả thể (loan đầu) và dụng (lý khí) mới là toàn bích.
- Phần lý khí, nói hết ra một cách quá phân tích sẽ làm mất hứng thú sáng tác của độc giả, và cũng sẽ lại tạo nên hậu quả tai hại là dễ nệ vào phân tích mà quên tổng hợp. Khoa địa lý cũng như nhiều khoa khác phải sử dụng cả phân tích lẫn tổng hợp cùng một lúc mới thành công.
Do đó tác giả phải dấu những điều tỉ mỉ dễ nhầm lẫn, nhưng thập phần quan trọng vào những câu, những chữ mà chỉ những ai dùng sự tận kỳ tâm, tận kỳ đạo mới khám phá ra. Nếu chỉ đọc không, chỉ lĩnh hội được phần nào sự diệu ảo của nó và vừa đủ cho kiến thức thông thường về địa lý mà thôi.
- Sau đây lại là sự dung hòa 2 quan niệm mâu thuẩn liên quan đến sự phổ biến khoa địa lý đã làm cho tác giả thắc mắc suốt thời gian soạn bộ sách này:
- Một là nếu không lưu lại sự chân truyền địa lý thì ít lâu sau khoa này sẽ mai một, đâu còn của báu của tiền nhân.
- Hai là các chân sư sợ rằng “kẻ tục” sẽ tạo nên thị trường địa lý, dù chưa tinh thông. Như vậy sẽ gây tai hại cho đời, nếu sự phổ biến nó quá dễ dàng.
Sau khi hoàn tất bộ sách này, may thay tác giả đã cố gắng làm trọn được hai quan niệm mâu thuẫn nhau như trên, và các bậc chân sư, sau khi đọc xong bản thảo, đã thở phào nhẹ nhõm và nói:
“Viết sách Địa lý như thế này thì thật là tuyệt diệu. Một trăm, một ngàn năm sau, 2 bộ sách này vẫn là sách chân địa lý. Đời sau đọc nó không còn chê trách tiền nhân ở điểm nào. Thôi chúng tôi cũng an lòng và tán thành việc xuất bản nó”.
Mong rằng quý vị độc giả thông cảm cho những nổi thắc mắc trình bày ở trên.
Để cho có toàn bộ chân địa lý cho người Việt Nam chúng tôi sẽ khai thác các sách địa lý có giá trị như:
- Địa lý Tả Ao tiên sinh truyền (của cụ Tả Ao).
- Lưu Xá Hòa Chính bí truyền địa pháp (của cụ Hòa Chính)
- Dương gia bí pháp (phối hợp địa lý với các khoa địa lý học Đông phương).
- Bích ngọc kinh (cổ thư địa lý Trung Hoa).
- Thanh nang kinh (cổ thư Địa lý Trung Hoa).
Từ mấy trăm năm nay sách địa lý có rất nhiều, nhưng phần lớn là man thư, năm bộ sách nêu trên được coi là bậc nhất chân thư. Các bậc tiền bối của chúng ta, chỉ mong mỏi kiếm làm sao cho được một hai bộ trong năm bộ sách kể trên nghiên cứu, là mãn nguyện. Chúng tôi đã dịch xong bộ thứ nhất: Địa Lý Tả Ao tiên sinh truyền. Bộ Địa Lý Tả Ao tiên sinh truyền sẽ ra mắt quý vị độc giả sau bộ này. Bên cạnh bản dịch có kèm theo nguyên bản để tiện tra cứu và so sánh. Chúng tôi được biết vì sự sao chép cổ thư cẩu thả nên hiện nay trên toàn quốc có tới 6 nguyên bản Địa Lý Tả Ao và bản này được coi là chính bản
Sau hết chúng tôi cũng xin thưa trước cùng quý vị độc giả là bộ sách Dã Đàm Tả Ao này được trình bày khác bộ Địa Lý Tả Ao xuất bản năm 1969. Bộ Địa Lý Tả Ao nặng về mô tả và định nghĩa thì bộ Dã Đàm Tả Ao lại bắt đầu thoát phép mô tả, để tiến lên phần luận. Phần luận sẽ làm cho nhiều quý vị mới học ưa thích vì nó như đưa quý vị đến nhiều khía cạnh đặc sắc hơn, nhưng nếu nệ vào nó quá sẽ nhầm lẫn, nên một số các vị chân sư đã muốn chúng tôi bỏ đi. Sau khi xét đi xét lại các vị lại đồng ý là có thể để được, vì nếu học cao hơn, nhất định phải vượt từ mô tả qua luận rồi đến triết mới có hy vọng đạt được phần cao nhất: “khai phóng mà vẫn không sai nhầm” của khoa Địa lý. Đạt được đến đây mới thành chân sư của khoa địa lý. Mong quý vị lưu tâm và chúc quý vị thành công.
Xuân Giáp Dần 1974
Cao Trung
Đánh giá
There are no reviews yet