Mô tả
Chu Dịch – Sào Nam Phan Bội Châu
Nhà chí sĩ yêu nước Sào Nam Phan Bội Châu (1867-1940) lâu nay được chúng ta biết đến như một trong những nhà văn, nhà văn hóa lớn nhất nửa đầu thế kỷ XX. Các công trình của cụ Sào Nam gồm nhiều thể loại: chính trị học, triết học, văn học, đạo đức học, sử học… mà ở lĩnh vực nào cụ cũng có những đóng góp quan trọng. Trong đó, bên cạnh Khổng học đăng, Quốc văn Chu dịch diễn giải (hay còn gọi là Chu Dịch) được xem là 2 công trình học thuật có giá trị, công phu, tâm huyết và sáng giá nhất của cụ Sào Nam.
Viết về Kinh Dịch – một trong ngũ kinh của Nho gia, tiêu biểu nhất cho trí tuệ phương Đông –, sau cụ Sào Nam còn có các tên tuổi lớn khác như Ngô Tất Tố và sau này là Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Duy Cần… – họ đã đóng góp những lý giải sâu sắc trong việc tìm hiểu Dịch lý. Dù vậy thì Chu Dịch của cụ Sào Nam vẫn là công trình có quy mô chuyên sâu, được giới học thuật thường nhắc đến. Với vốn nho học uyên thâm, thêm vào đó là sự chiêm nghiệm đầy lịch lãm về lịch sử và thời cuộc của tác giả, bộ Chu Dịch này dường như đã thoát ra cái vẻ cổ kính điển phần của nó để mang lấy một hơi thở hiện đại, một cái nhìn giàu chất cách tân về những đơn quái, trùng quái, soán từ, hệ từ… đầy màu sắc thần bí trong Dịch lý – một nguyên lý quan trọng đã chi phối hệ tư tưởng suốt mấy ngàn năm trong xã hội Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản,…
Và cuối cùng, để nói về giá trị công trình học thuật này của cụ Sào Nam, xin trích dẫn lại đây lời vàng ngọc của cụ Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng ghi trong Lời giới thiệu đầu sách: “Ký giả có một người bạn tinh thâm Hán học trên 20 năm du lịch nước Nhật, nước Tàu, cùng học giả Đông Tây giao thiệp cũng nhiều, nay tuổi già không muốn chen mình vào cuộc đời đáng chán này, xoay lại đóng cửa đọc sách, làm bạn cùng mấy bậc danh triết đời xưa. Trong lúc thong thả, nhân xem bản Chu Dịch dịch ra quốc văn, lấy tư tưởng cao thượng dung hợp, mà giải thích theo lối vũ trụ quan, nhân sinh quan, phát triển được nhiều điều tinh diệu và thích hợp với lẽ tiến hóa. Thuở lai, nhiều người xem bộ Chu Dịch như thứ sách chỉ dùng về việc bói, việc số, đã không có ích gì cho đời, mà lại dẫn người đời vào cõi mê tín. Nay có bản sách này, không khác gì dọn gai gốc mà thấy đường bằng, vẹt mây mà thấy mặt trời, làm cho chân tướng của triết học bị che lấp mấy trăm đời, nay được bày tỏ một cách sáng suốt, giá trị của bản sách này không phải là ít.”
Phuoc Chau (xác minh chủ tài khoản) –
thanks