Bát Nhã Ba La Mật Kinh Trực Chỉ Đề Cương – Hòa Thượng Thích Từ Thông

199.000 

Bát Nhã Ba La Mật Kinh Trực Chỉ Đề Cương

Tác giả : Thích Từ Thông
164 Trang

Sách có phụ thêm phần: Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Kinh

Mô tả

Bát Nhã Ba La Mật Kinh Trực Chỉ Đề Cương

BÁT NHÃ BA LA MẬT là một trong những hệ tư tưởng của Đại Thừa Phật giáo Bắc tông. Bát Nhã Ba La Mật, Trung Hoa dịch: TRÍ TUỆ ĐÁO BỈ NGẠN. Thành ngữ đáo bỉ ngạn, chỉ cho sự viên mãn cứu kính, sự hoàn thành trọn vẹn về một lãnh vực tri thức, một công hạnh lợi tha, một sự giải thoát giác ngộ hoàn toàn…

Bát Nhã La Mật, với nhà Phật học được xem là thứ trí tuệ cứu kính, so với các trí tuệ. Sử dụng trí tuệ đáo bỉ ngạn, con người có khả năng nhận thức thế giới, thông qua ngũ nhãn của mình. Khi đề cập thứ trí tuệ cứu kính,nhà Phật ít dùng từ trí tuệ theo nghĩa thông thường. Để chỉ thứ trí tuệ độc đáo cứu kính ấy, nhà Phật sử dụng nguyên âm bằng cái từ Bát Nhã. Nói đến Bát Nhã, người Phật học hiểu ngay là thứ trí tuệ độc đáo cứu kính,có khả năng nhận thức vũ trụ nhân sinh.

Các thiền đường nói nôm na là chỗ các tu sĩ Phật giáo ăn cơm, ngồi thiền, tham cứu kinh điển, tiếp khách thập phương, thường có tấm biển chữ to. Biển đẹp hay tầm thường tùy theo khả năng tài chinh của nhà chùa nhưng tuyệt đại đa số chùa đều có tấm biển với ba chữ: “BÁT NHÃ ĐƯỜNG”

Ba chữ đó, vừa có ý nghĩa cảnh tỉnh vừa có ý nghĩa biểu trưng: Rằng người tu sĩ Phật Giáo phải sống bằng Bát Nhã, nên sống trong Bát Nhã, vì đây là ngôi nhà BÁT NHÃ của chốn tòng lâm.

*    *    *

Theo Thiên Thai phái giáo, hệ tư tưởng Bát Nhã chiếm khoảng 22 trên 49 năm trong đời giáo hóa của dức Phật. Cho nên nhìn vào công trình phiên dịch, sớ giải, trước thuật các tiền bối Phật học mà kinh khiếp ! Chỉ đọc đề mục, tên kinh, niên đại, dịch giả. Thuật giả, sớ giải giả, trong hệ tư tưởng Bát Nhã Bà La Mật thôi, tôi cảm thấy đã mệt. Dưới đây tôi xin nêu một số nhỏ danh mục kinh, thuộc hệ tư tưởng Bát Nhã để giới thiệu đại khái, cùng chư thiện hữu trí thức tường lãm, và cũng thưa là xin miễn nêu tôn danh các dịch giả tiền bối để khoi rườm rà, vì ở đây không cần thiết:

1.       Phóng quang Bát Nhã Ba La Mật Kinh 20 quyển. 90 phẩm.

2.       Ma Ha Bát Nhã la Mật Kinh 30 quyển. 90 phẩm.

3.       Quang tán Bát Nhã Ba La Mật Kinh 10 quyển. 27 phẩm

4.       Đạo Hạnh Bát NhãLa Mật Kinh 10 quyển.  29 phẩm

5.       Tiểu phẩm Bát Nhã Ba La Mật Kinh 10 quyển. 29 phẩm

6.       Phật Mẫu Xuất Sanh Tam Pháp Tạng, Bát Nhã Ba La Mật Kinh 25 quyển. 32 phẩm,

7.       Phẩm Mẫu Bảo Đức Tạng, Bát Nhã Ba La Mật Kinh 3 quyển. 20 phẩm.

8.       Đại Minh Độ Vô cực Kinh ( hệ Bát Nhã ) 6 quyển , 30 phẩm.

9.       Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Sao kinh 5 quyển . 13 phẩm

10.  Thắng Thiên vương Bát Nhã Ba La Mật Kinh 7 quyển . 16 phẩm

11.  Văn Thủ Sư Lợi sở thuyết Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Kinh, 1 quyển.

12.  Phật Thuyết  Nhụ Thủ Bồ Tát Vô Thượng Thanh Tịnh phần Vệ Kinh 2 quyển.

13.  Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Kinh 1 quyển. Cưu ma La Thập dịch (Tài liệu căn bản giáo án này).

14.  Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Kinh 1 quyển. Chân Đế dịch.

15.  Bát Nhã Ba La Mật Kinh 600 quyển. Hơn 80.000 lời. 785 phẩm, Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang dịch. Đời Đường 600 = 666 niên đại.

 

Nêu đại cương mà đã có từng ấy kinh hệ tư tưởng Bát Nhã Ba La Mật Đa. Xem thế, nghiên cứu Bát Nhã mà tham khảo hết ngần ấy tài liệu, có lẽ đến chết già. Đã bao lần tôi định bụng lội khơi vào biển Bát Nhã bao la ấy. Rồi lòng tự nhủ lòng: Không thể lội trong biển mênh mông không bờ bến. Mà biển nào cũng phải có bờ chứ: Tay lưới dù lớn, dài bao nhiêu cũng phải có giềng. Áo rộng cỡ nào cũng phải có bâu. Tôi cương quyết phải tìm bờ để vào, phải nắm giềng để phăng lưới, phải xách bâu mới xếp áo được. Nghĩ vậy tôi để tâm nghiên cứu viết tài liệu giáo án này. Trước hết lợi mình, đồng thời hướng dẫn đàn em hậu học đang theo học ở các trường Phật Học Cao Cấp : Thủ đô Hà Nội và Thành Phố Hổ Chí Minh, tôi là một trong số giảng viên được phân công hướng dẫn các môn Kinh luận Đại Thừa.

Theo nội dung tài liệu, giáo án này được gọi là : BÁT NHÃ BA LA MẬT KINH TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG.

Không biết có chủ quan lắm không, chứ theo tôi , nghiên cứu Bát Nhã Ba La Mật Trực Chỉ Đề Cương này, rồi dựa theo cơ sở tư duy đó, phát triển tự nhiên trí, vô tư trí của mình, theo đó, các độc giả có thể xem các bộ Kinh Bát Nhã khác, ta sẽ thấy giáo lý không còn khó khăn lắm .

BÁT NHÃ BA LA MẬT KINH TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG, do bỉ nhân tôi tóm lược từ chất liệu ở bộ kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa và Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh. Nói cách khác, tôi dịch Tỉnh lược bộ Kim Cương Bát Nhã Kinh và Bát Nhã Tâm Kinh viết thành giáo án này.

Phần trực chỉ, để giảng rộng, giải thích lý nghĩa của kinh văn. Phần này cũng do bỉ nhân tôi, tư duy tìm hiểu nghĩa lý ẩn tàng trong chất giáo lý Bát Nhã mà viết ra. Về văn tự vụng về, chẳng đáng là bao. Nhưng pháp dược này được bổ ích nhiều hay ít đối với xã hội nhân quần, cần có sự diễn đạt để hướng dẫn tư tưởng người đọc qua phần TRỰC CHỈ đó. Nếu nó là pháp dược, là thuốc quý, lợi ích chúng sinh thì người ta sẽ vun trồng chăm quén, gây giống lâu dài. Nếu nó là thứ cỏ dại, có nó chỉ làm tổn thương sự sanh trưởng của lúa mạ hoa màu, nhân quần xã hội sẽ đào thải nó đi. Nếu chưa nhổ bỏ lúc này, thì người ta cũng để cho nó chết khô một ngày nào đó.

Cùng một bộ Kim Cang Bát Nhã BA La Mật mà xưa nay khó có thể đếm hết phương danh những người dịch, giải, diễn đạt lý kính. Nhưng phong phú thay ! Ý tưởng không ai giống ai cả. Có giống nhau chăng là giống những chỗ ngôn từ “Vô thưởng vô phạt” “rẻ rề” ấy ! Đó là do sự tìm hiểu, tư duy THÂM NGHĨA theo Tri kiến Phật ở mỗi con người.

Những tiểu đề phân đoạn mục ở kinh văn cũng do bỉ nhân tôi  tự đặt. Công dụng của nó gần như đại ý của mỗi đoạn kinh văn ấy.

Tôi đề nghị bạn đọc: Đọc Bát Nhã Ba La Mật Kinh Trực Chỉ Đề Cương, tiếp theo là tư duy phân tích, rồi so sánh nghĩa lý của bộ Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, làm như thế rất có lợi cho phần tri kiến. Vận dụng cơ sở tư duy đó, đọc nhiều Kinh Bát Nhã khác càng được lớn hơn.

Vì là một giáo án, đề cương không thể đáp ứng yêu cầu đa diện cho các hàng thức giả muốn tìm hiểu Phật học uyên thâm. Nếu đòi hỏi triết lý sâu xa, chứng minh đa diện, tài liệu này không thể thỏa mãn yêu cầu to lớn như vậy.

Nếu có sự bất như ý trong đây, xin chư thiện hữu trí thức niệm tình tha thứ.

THÀNH PHỒ HỒ CHÍ MINH

Huỳnh Mai Tịnh Thất

28-2-1985

THÍCH TỪ THÔNG Cẩn Chí

MỤC LỤC

 

1.     Lời nói đầu

2.     Bối cảnh thời Pháp Bát Nhã Ba La Mật Đa

3.     Vấn đề cơ bản của một Bồ Tát phải làm

4.     Vấn đề hàng phục tâm mình

5.     Phát tâm Vô Thượng Chán Đẳng Chánh Giác, phải trụ tâm như thế nào ?

6.     Thế nào là một đức tin có giá trị

7.     Vấn đề thành Phật và thuyết pháp của một Như Lai

8.     Đệ tử Phật phải làm gì để có được phước đức nhiều ?

9.     Vấn đề chứng đắc trong đạo Phật, người Phật tử phải hiểu như thế nào ?

10.    Làm thế nào để trang nghiêm cho mình một cõi Phật ?

11.   Người đệ tử Phật phải làm gì để được phước đức nhiều ?

12.   Bát Nhã Ba La Mật Đa là một thứ kinh ưu việt

13.   Phải hiểu rõ ý Phật và đúng như pháp mà thọ trì, phước đức mới nhiều.

14.   Ly nhất thiết chư tướng cách nào để được gọi là Chư Phật ?

15.    Vi trần và thế giới chỉ là hai mặt của một thực thể tồn tại khách quan.

16.    Phải hiểu thế nào về tứ tướng của Như Lai nói.

17.     Như như bất động là đạt đáo điểm của Bát Nhã La Mật

18.    Vấn đề sắc tâm qua cái nhìn của Bát Nhã Ba La Mật.

19.     Mười hai nhập, mười tám giới vẫn là pháp duyên sanh khởi

20.     Pháp Tứ đế , thập nhị nhơn duyên chỉ là phương chước dĩ độc trị độc của Như lai.

21.      Bát Nhã Ba La Mật là duyên nhơn của Vộ Thượng Chánh Đẳng Giác.

 

PHỤ LỤC

  •  Bát Nhã Ba La Mật, một trong những tư tưởng giáo lý của Đại Thừa Phật Giáo Việt Nam.
  •  Quả Vô Thượng Chánh Đẳng Giác Chánh Giác của Như Lai chỉ là kết quả của quá trình cải tạo, xây dựng và sống đúng, sống hợp với chân lý.
Bát Nhã Ba La Mật Kinh Trực Chỉ Đề Cương - Hòa Thượng Thích Từ Thông
Bát Nhã Ba La Mật Kinh Trực Chỉ Đề Cương – Hòa Thượng Thích Từ Thông

Đánh giá

There are no reviews yet

Chỉ những khách hàng đã đăng nhập và mua sản phẩm này mới có thể đưa ra đánh giá.