Mô tả
Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí
Hoàng Việt nhất thống dư địa chí được xem là bộ địa chí đầu tiên của triều Nguyễn. Bộ sách được viết từ rất sớm, khi hoàng đế Gia Long vừa đăng quang, đang trong thời gian tổ chức và ổn định triều chính sau mấy thế kỷ nhân dân phải trải qua nạn binh đao, cát cứ. Mặt khác, diện mạo đất nước đương thời đã hoàn toàn đổi khác, biên cương được mở rộng phía Bắc từ Tuyên – Lạng, phía Nam đến Hà Tiên.
“Hoàng Việt nhất thống dư địa chí” vừa là một thư tịch chính thống nhằm khẳng định cương vực của quốc gia, vừa tỏ rõ ý thức độc lập, văn hiến của một dân tộc tự cường vào đầu thế kỷ XIX. Sự ra đời của Hoàng Việt nhất thống dư địa chí có ý nghĩa rất lớn đối với công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng triều đại của nhà Nguyễn. Lãnh thổ dài rộng từ Nam chí Bắc được chép trong đó là một biểu thị về sự hùng mạnh của Việt Nam vào đầu thế kỷ đó.
Mặt khác, kế thừa những công trình địa chí có từ trước, bộ sách này tiếp tục làm nổi bật hình ảnh một quốc gia có nền văn hiến lâu đời, một dân tộc bất khuất, hào hùng trong công cuộc giữ nước và dựng nước.
Ưu điểm nổi bật của Hoàng Việt nhất thống dư địa chí chính là việc mô tả một cách chính xác về đường đi, các dịch trạm, địa danh, sông núi, khe suối, ngòi rạch, về cửa biển, kèm theo lời tường giải rất cụ thể về mặt mạnh mặt yếu, chỗ hiểm chỗ thuận lợi của từng địa phương.
Về tác giả Lê Quang Định
– Lê Quang Định (1759 – 1813), tự Tri Chỉ, hiệu Tấn Trai và Chỉ Sơn, quê chính ở làng Tiên Nộn, nay thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên – Huế.
– Thuở thiếu thời, vì nhà nghèo lại sớm mồ côi cha, nên ông theo anh vào Gia Định lập nghiệp. Ông là người thông minh và hiếu học, nhờ vậy khi đến miền Nam đã được lương y Hoàng Đình Thắng giúp đỡ, có điều kiện học tập rồi lại gả con gái cho. Lê Quang Định đã theo học với thầy Võ Trường Toản (? – 1792), một nhà nho, nhà giáo có uy tín lớn ở Nam bộ lúc bấy giờ.
– Năm 1788, Nguyễn Ánh lấy lại Gia Định rồi cho mở khoa thi, ông đỗ đạt và được trọng dụng. Ban đầu ông được bổ làm việc trong Hàn Lâm viện, thăng Đông Cung thị giảng, rồi Hữu Tham tri.
– Năm 1802 vua Gia Long bổ Lê Quang Định làm Thượng thư Bộ Binh và cử làm Chánh sứ.
– Năm 1810, ông giữ chức Thượng thư Bộ Hộ kiêm quản Khâm Thiên giám cho đến lúc mất. Trong thời gian làm việc ở Bộ Binh, Lê Quang Định còn được vua Gia Long cử biên soạn bộ Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, bộ sách hoàn thành và dâng lên nhà vua vào năm 1806. Ngoài bộ sách này, tác phẩm của ông còn có Hoa nguyên thi thảo và Gia Định tam gia thi.
Đánh giá
There are no reviews yet